(0 Đánh giá)
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (trước kia là trường Grand Lycée Yersin) là kiến trúc được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20. Trường được người Pháp thành lập năm 1927, do kiến trúc sư Moncet thiết kế và chỉ đạo xây dựng, dành cho con em người Pháp và một số gia đình người Việt giàu có. Năm 1932 trường Petit Lycée Dalat được đổi tên thành Grand Lycée de Dalat và đến năm 1935 trường có tên là Lycée Yersin để tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin.
Từ năm 1970 đến năm 1975, trường có tên Trung tâm Giáo dục Hùng Vương, đào tạo học sinh tiểu học theo chưong trình Việt, đồng thời có một cơ sở Sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học đặt trong ngôi trường này.
Sau ngày giải phóng, ngày 3/9/1976, Bộ Giáo dục ký quyết định số 1784/QĐ biến Trung tâm Giáo dục Hùng Vương thành trường Cao Đẳng Sư Phạm. Ngày 6/10/1976, Chính phủ ký quyết định số 280/QĐ công nhận trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà lạt là một trong sáu trường Cao Đẳng Sư phạm đầu tiên ở phía Nam. Trường có nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp 2 (Trung học cở sở) không những cho tỉnh Lâm Đồng mà còn cho cả một số tỉnh bạn như Đồng Tháp, Sông Bé...
Năm 1992, cả ba trường Sư Phạm Mầm non, Trung học sư phạm, Cao đẳng Sư phạm sát nhập thành một trường đa cấp, đa hệ và lấy tên mới: trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt theo quyết định số 518/QĐ/UB/TC của UBND tỉnh Lâm Đồng. Từ 1993, trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt còn được UBND tỉnh giao thêm một chức năng: bồi dưỡng cán bộ quản lý cho các trường mâm non, tiểu học và trung học cơ sở.
![]() |
Hành lang có mái lượn sóng |
Đặc sắc nhất của trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt phải kể đến dãy nhà vòng cung với chiều dài phía trước 77,18m, phía sau 89,8m, gồm ba tầng lầu và 24 phòng học, cuối dãy nhà sát với nhà văn phòng là tháp chuông cao 54m nổi bật giữa không gian màu xanh bao la của ngàn thông. Gạch xây trường là gạch trần đỏ được chở từ châu Âu sang, mái được lợp bằng ngói làm từ nước Pháp. Hiện nay các tấm ngói lợp đã được thay thế do các tấm ngói cũ đã không còn sử dụng được nữa.
![]() |
Dãy lớp học xây theo hình vòng cung độc đáo |
Điểm nhấn của dãy nhà hình vòng cung là tháp chuông. Tháp chuông nhưng không treo chuông mà đó chỉ là biểu tượng của sự vươn lên đỉnh cao văn hóa, đó cũng là nét kiến trúc đặc sắc của vùng Morger, quê nhà Yersin tại Thụy Sĩ. Phía bên ngoài tháp chuông trước đây có một đồng hồ nhưng có lẽ đã bị tháo dỡ, du khách chỉ có thể thấy vết tích của chiếc đồng hồ lớn còn in lại trên nền gạch. Bên trên tháp chuông cũng không còn chuông do có lẽ đã bị tháo dỡ trong thời chế độ cũ.
Đứng ở trung tâm thành phố Đà Lạt, nhìn sang bên kia hồ Xuân Hương có thể nhìn thấy cái tháp chuông cao vút trên bầu trời, khi đặt chân đến đây chúng ta sẽ càng bất ngờ trước kiến trúc độc đáo của ngôi trường. Đánh giá công trình kiến trúc này, báo Đông Dương (Indochine) lúc bấy giờ đã viết: “Đó là một ngôi nhà lớn mà không ai ở Đà Lạt có thể bỏ qua”.
Có dịp tới Đà Lạt, bạn hãy dành chút ít thời gian đến ngắm vẻ đẹp của công trình kiến trúc độc đáo này, cũng là dịp để bạn tìm lại dấu ấn của nhà bác học Alexandre Yersin.
Vietnam Discoveries. (Sưu tầm - Photo by Khánh Hmoong)
´
Dalat